Chi ngân sách nhà nước Ngân_sách_nhà_nước

Khái niệm chi ngân sách nhà nước

Chi ngân sách nhà nước là việc phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện chức năng của nhà nước theo những nguyên tắc nhất định.

Chi ngân sách nhà nước là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào ngân sách nhà nước và đưa chúng đến mục đích sử dụng. Do đó, Chi ngân sách nhà nước là những việc cụ thể không chỉ dừng lại trên các định hướng mà phải phân bổ cho từng mục tiêu, từng hoạt động và từng công việc thuộc chức năng của nhà nước.

Quá trình của chi ngân sách nhà nước
  1. Quá trình phân phối: là quá trình cấp phát kinh phí từ ngân sách nhà nước để hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng;
  2. Quá trình sử dụng: là trực tiếp chi dùng khoản tiền cấp phát từ ngân sách nhà nước mà không phải trải qua việc hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng.

Đặc điểm của chi ngân sách nhà nước

  • Chi ngân sách nhà nước gắn với bộ máy nhà nước và những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà nhà nước đảm đương trong từng thời kỳ;
  • Chi ngân sách nhà nước gắn với quyền lực nhà nước, mang tích chất pháp lý cao;
  • Các khoản chi của ngân sách nhà nước được xem xét hiệu quả trên tầm vĩ mô;
  • Các khoản chi của ngân sách nhà nước mang tính chất không hoàn trả trực tiếp là chủ yếu;
  • Các khoản chi của ngân sách nhà nước gắn chặt với sự vận động của các phạm trù giá trị khác như giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái, tiền lương, tín dụng, v.v... (các phạm trù thuộc lĩnh vực tiền tệ).

Nội dung của chi ngân sách nhà nước

Theo chức năng nhiệm vụ, chi ngân sách nhà nước gồm:

  • Chi tích lũy:Chi cho tăng cường cơ sở vật chất như đầu tư phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng, trong đó phần lớn là xây dựng cơ bản, khấu hao tài sản xã hội
  • Chi tiêu dùng:Không tạo ra sản phẩm vật chất để xã hội sử dụng trong tương lai (chi bảo đảm xã hội), bao gồm:
    • Giáo dục;
    • Y tế;
    • Công tác dân số;
    • Khoa học và công nghệ;
    • Văn hóa;
    • Thông tin đại chúng;
    • Thể thao;
    • Lương hưu và trợ cấp xã hội;
    • Các khoản liên quan đến can thiệp của chính phủ vào các hoạt động kinh tế;
    • Quản lý hành chính;
    • An ninh, quốc phòng;
    • Các khoản chi khác;
    • Dự trữ tài chính;
    • Trả nợ vay nước ngoài, lãi vay nước ngoài.

Theo tính chất kinh tế, chi ngân sách nhà nước được chia ra:

  • Căn cứ vào nội dung chi tiêu
  • Căn cứ vào tính chất và phương thức quản lý Ngân sách Nhà nước
    • Chi thường xuyên một cách chính đáng
    • Chi đầu tư phát triển
    • Chi vào hạng mục dự trữ
    • Chi trả nợ vay

Phân loại chi ngân sách nhà nước

Căn cứ vào mục đích, nội dung
  1. Nhóm 1: Chi tích lũy của ngân sách nhà nước là những khoản chi làm tăng cơ sở vật chất và tiềm lực cho nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế; là những khoản chi đầu tư phát triển và các khoản tích lũy khác.
  2. Nhóm 2: Chi tiêu dùng của ngân sách nhà nước là các khoản chi không tạo ra sản phẩm vật chất để tiêu dùng trong tương lai; bao gồm chi cho hoạt động sự nghiệp, quản lý hành chính, quốc phòng, an ninh...
Căn cứ theo yếu tố thời hạn và phương thức quản lý
  1. Nhóm chi thường xuyên bao gồm các khoản chi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của nhà nước;
  2. Nhóm chi đầu tư phát triển là các khoản chi dài hạn nhằm làm tăng cơ sở vật chất của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;
  3. Nhóm chi trả nợ và viện trợ bao gồm các khoản chi để nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản đã vay trong nước, vay nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế;
  4. Nhóm chi dự trữ là những khoản chi ngân sách nhà nước để bổ sung quỹ dự trữ nhà nước và quỹ dự trữ tài chính.

Yếu tố ảnh hưởng đến chi ngân sách nhà nước

  • Chế độ xã hội là nhân tố cơ bản;
  • Sự phát triển của lực lượng sản xuất;
  • Khả năng tích lũy của nền kinh tế;
  • Mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước và những nhiệm vụ kinh tế, xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, sự biến động của các phạm trù giá trị (giá cả, tỷ giá hối đoái, tiền lương,....)

Nguyên tắc tổ chức chi ngân sách nhà nước

  1. Nguyên tắc thứ nhất: gắn chặt các khoản thu để bố trí các khoản chi:nếu vi phạm nguyên tắc này dẫn đến bội chi nsnn,gây lạm phát mất cân bằng cho sự phát triển xã hội;
  2. Nguyên tắc thứ hai: đảm bảo yêu cầu tiết kiệm và hiệu quả trong việc bố trí các khoản chi tiêu của nsnn;
  3. Nguyên tắc thứ ba: theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, nhất là các khoản chi mang tính chất phúc lợi xã hội;
  4. Nguyên tắc thứ tư: tập trung có trọng điểm:đòi hỏi việc phân bổ nguồn vốn từ nsnn phải tập trung vào các chương trình trọng điểm, các ngành mũi nhọn của nn;
  5. Nguyên tắc thứ năm: phân biệt rõ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của các cấp theo quy định của luật;
  6. Nguyên tắc thứ sáu: phối hợp chặt chẽ với khối lượng tiền tệ, lãi suất, tỷ giá hối đoái.

Thâm hụt ngân sách nhà nước

Bài chi tiết: Thâm hụt ngân sách

Thâm hụt ngân sách nhà nước, hay còn gọi là bội chi ngân sách nhà nước, là tình trạng khi tổng chi tiêu của ngân sách nhà nước vượt quá các khoản thu "không mang tính hoàn trả" của ngân sách nhà nước.

Để phản ánh mức độ thâm hụt ngân sách người ta thường sử dụng chỉ tiêu tỉ lệ thâm hụt so với GDP hoặc so với tổng số thu trong ngân sách nhà nước.

Thâm hụt ngân sách nhà nước có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nền kinh tế một nước tùy theo tỉ lệ thâm hụt và thời gian thâm hụt. Nói chung nếu tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước với tỷ lệ cao và trong thời gian dài sẽ gây ra lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực.

Thâm hụt ngân sách nhà nước cần phải đặt trên cơ sở thu nhập và mức sống của người dân do thuế là một trong những nguồn bù đắp ngân sách lớn nhất của ngân sách nhà nước mà việc thu thuế cần phải dựa vào mức thu nhập của người dân, hơn nữa nhà nước có thể lựa chọn vay từ dân cư trong nước mà để định mức vay hợp lý thì lại phải dựa trên thu nhập và mức sống của người dân

Giải pháp khắc phục: dưới đây là các biện pháp chính phủ sử dụng để bù đắp bội chi
  • Tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước;
  • Vay nợ trong nước và nước ngoài để bù đắp sự thâm hụt;
  • Tăng phát hành trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc
  • Phát hành tiền giấy